Chính quyền Đức đã bày tỏ quan ngại: Vụ bê bối của Volkswagen có thể phá vỡ hình ảnh tốt đẹp của ngành xe hơi Đức. Thủ tướng Angela Merkel hôm 23-9 kêu gọi tập đoàn vốn là niềm hãnh diện của Đức, nên hoàn toàn minh bạch trong vụ này. Vượt ra ngoài tập đoàn Volkswagen, chính là hình ảnh “made in Germany” bị ảnh hưởng: đó là những sản phẩm chất lượng tốt và bền. Cho dù thường đắt tiền hơn các sản phẩm cạnh tranh, nhưng khách hàng trên toàn thế giới mua hàng Đức vì thường tốt hơn sản phẩm của các nước khác.
Vụ Volkswagen dùng phần mềm để đánh lừa các cơ quan kiểm định về khí thải là vô tiền khoáng hậu: 11 triệu chiếc xe trên toàn thế giới được tuồn ra thị trường trót lọt mặc dù không đạt tiêu chuẩn về chống ô nhiễm.
Theo thông báo của EPA, những chiếc xe sử dụng nhiên liệu diesel của Volkswagen sử dụng một phần mềm đặc biệt, cụ thể là một đoạn lệnh lập trình được cài sẵn vào bên trong hệ thống điều khiển điện giúp các xe này bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra và tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường.
Những chiếc xe được gắn “phần mềm lừa dối” trên sẽ phát thải cao hơn từ 10 đến 40 lần ngưỡng cho phép. Sự chênh lệch này bị phát hiện sau khi EPA tiến hành các bài kiểm tra thực tế về độ ô nhiễm của các mẫu xe chạy diesel và so sánh với kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều đó có nghĩa là xe của Volkswagen không thân thiện như hãng đã quảng cáo, cũng không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để được bán ra cho người tiêu dùng Mỹ.
Ken Westin - chuyên gia về bảo mật phần mềm xe hơi giải thích với tờ ABC News rằng, mức khí thải của xe hơi luôn được theo dõi bởi hệ thống chẩn đoán lỗi điện tử tự động (OBD) và những dòng lệnh mà Volkswagen sử dụng đã đánh lừa hệ thống này khi nó kiểm tra lưu lượng khí thải.
Chuyên gia này cho biết thêm: “Các hệ thống máy tính luôn có thể bị đánh lừa bởi những dòng lệnh giả, OBD không phải ngoại lệ. Nó giống như việc máy tính của bạn dính keylog hay trojan vậy, bề ngoài không có gì xảy ra nhưng máy tính lại đang gửi những thông tin quan trọng tới những đối tượng xấu”.
Hệ thống OBD đã có từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Ban đầu hệ thống này được sử dụng để kiểm tra, chẩn đoán tính năng công tác của động cơ. Khi vấn đề kiểm soát phát thải đối với xe cơ giới trở thành vấn đề lớn, người ta thấy rằng, nếu chỉ kiểm soát các chất độc hại có trong khí xả khi thử nghiệm phê duyệt kiểu xe hoặc khi xe vào kiểm tra định kỳ thì hoàn toàn chưa đủ và đôi khi là quá muộn. Vì vậy, phát thải của xe cần phải được kiểm soát, ngăn chặn ngay từ nguồn và trong suốt quá trình hoạt động, cụ thể là phải kiểm soát và loại trừ kịp thời được những trục trặc kỹ thuật của các bộ phận, thiết bị có liên quan trực tiếp tới việc phát sinh ra các chất độc hại có trong khí thải khi sử dụng xe.
Để thực hiện mục tiêu này, người ta đã nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng tính năng của hệ thống OBD cũ để có thể kiểm tra được các bộ phận, hệ thống liên quan tới việc phát thải của xe. Và hệ thống OBD hiện nay đã thoát ra khỏi chiếc áo chật hẹp ban đầu của mình để trở thành một công cụ không thể thiếu được trên các loại xe hiện đại ngày nay, đó là “Hệ thống kiểm soát khí thải”.
Theo EPA, để cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Mỹ - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới - Volkswagen dựa chủ yếu vào các dòng xe chạy diesel sạch và mạnh mẽ; năm ngoái hãng đã bán được 366.970 xe tại thị trường này. Nếu đầu tư cho các động cơ diesel đạt chuẩn về khí thải, Volkswagen sẽ phải tốn thêm rất nhiều chi phí nghiên cứu và sản xuất. Do vậy, một mã độc đánh lừa là cách làm dễ nhất.
Hậu quả khôn lường
Tuy nhiên, khi bị phát hiện thì hậu quả cũng khôn lường. Chỉ trong 2 ngày sau khi Volkswagen bị tố cáo gian lận, cổ phiếu của hãng này đã bị mất giá đến 35%, tương đương 25 tỉ euro, kéo theo nhiều cổ phiếu xe hơi khác bị sụt giá trên các thị trường chứng khoán châu Âu.
Vụ bê bối này đặt Volkswagen trước nguy cơ vấp phải sự tẩy chay của người tiêu dùng ở thị trường ôtô lớn thứ nhì thế giới cùng với đó là khả năng phải chịu án phạt lên tới 18 tỷ USD và có nguy cơ đối mặt với một cuộc điều tra hình sự, chưa kể chi phí thu hồi sản phẩm và án phí, dự kiến vào khoản 6,5 tỉ euro. Volkswagen phải rút khỏi thị trường tất cả các xe mới cũng như cũ, có lắp thiết bị che giấu việc phát thải khí độc. Như vậy lợi tức hàng năm của tập đoàn có doanh số 200 tỉ euro và 600.000 nhân viên sẽ bị giảm hẳn trong năm nay. Doanh thu năm ngoái của Volkswagen đã vượt qua Toyota của Nhật, trở thành hãng xe hơi số 1 thế giới.
Hôm 23-9, Chủ tịch tập đoàn Martin Winterkorn đã đưa ra lời xin lỗi sâu sắc và hứa sẽ làm rõ vụ việc. Volkswagen thừa nhận, cuộc điều tra nội bộ cho thấy phần mềm gian lận cũng hiện diện trong các xe chạy bằng diesel khác của tập đoàn. Có nghĩa là không chỉ xe hơi hiệu VW hay Audi tại Mỹ, mà còn tại các nơi khác trên thế giới, với những nhãn hiệu khác như Skoda và Seat. Được biết Tập đoàn Volkswagen sở hữu 12 nhãn hiệu xe hơi, xe tải và môtô.
Phần mềm nhằm qua mặt các thử nghiệm chống ô nhiễm liên quan đến tất cả các động cơ diesel loại EA189, trang bị cho tổng cộng khoảng 11 triệu chiếc xe hơi trên thế giới. Số lượng này tương đương với số xe hơi được Volkswagen bán ra trong một năm.
Ngày 22-9, Hàn Quốc cho biết sẽ điều tra ba mẫu xe của Volkswagen đang được phân phối tại nước này. Hàn Quốc có tới 4-5 nghìn xe Jetta, Goft và Audi A3 của Volkswagen được sản xuất vào thời gian từ năm 2014 đến 2015. Không những thế, Ủy ban châu Âu cũng đã liên hệ với Volkswagen và Mỹ để xem xét có nên tiến hành tiến hành điều tra các xe hơi của Volkswagen ở châu Âu hay không. Hiện Pháp và Italia cũng đã mở cuộc điều tra với các dòng xe của Volkswagen.
Về phần mình, cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đang xem xét khả năng các tập đoàn xe hơi khác cũng lắp đặt thiết tương tự, cung cấp các thông số gây ô nhiễm gian dối, nhằm mục đích đề cao tính năng ưu việt của các sản phẩm của mình. EPA sẽ tiến hành kiểm tra trên quy mô lớn các loại xe hơi của những tập đoàn khác. Hiện các hãng xe hơi khác đều đang nằm yên thở khẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét